HTTL Hà Nội – Ngày nào đó, các con sẽ giới thiệu với tôi về người chúng định kết hôn. Khi đó, có 3 câu – với 11 từ đơn giản – mà tôi muốn biết rằng các con có thể nói, một cách nghiêm túc, trước khi chúng có thể nhận sự chúc phước của tôi: Anh/em sai rồi. Anh/em xin lỗi. Xin tha lỗi cho anh/em.
Hôn nhân là sự rèn tập mỗi ngày về sự ăn năn và tha thứ. Không có cách nào để trở thành người phối ngẫu hoàn hảo. Tôi là một tội nhân và tội lỗi của tôi sẽ làm tổn thương những người xung quanh. Dù trong sự không hoàn hảo, chúng ta có thể kiên định hướng đến Đấng Cứu Rỗi hoàn hảo. Sự sẵn lòng làm điều đó – để chết cho sự kiêu căng của mình để người khác được tôn cao – thể hiện cách thực hữu rằng chúng ta hiểu rõ sự tốt lành và năng quyền của Phúc Âm.
“Anh/em sai rồi”
Bản tính kiêu căng của chúng ta ghét câu nói này. Mỗi một từ đều gắn chặt vào phía sau cổ họng của chúng ta. Cái tôi nói với chúng ta rằng chúng ta không thể thừa nhận lỗi sai. Làm như thế sẽ phá hỏng danh tiếng của mình. Nó có thể đe dọa giá trị chúng ta có được từ sự thể hiện bản thân và làm giảm đi sự đảm bảo chúng ta có được từ khả năng nhận thức của mình.
Khả năng suy nghĩ về bản thân như chuyên gia (hoặc thậm chí chỉ là thành thạo!) có thể bị lung lay. Việc thốt ra 3 từ nhỏ đó giống như cái chết đối với lòng tự hào của chúng ta.
Nhưng liệu có bất kỳ lẽ thật Kinh Thánh nào rõ ràng hơn thực tế rằng bạn và tôi đang rối tung lên? Và chúng ta vẫn làm như thế đều đặn như chiếc đồng hồ? Từ sự khôn ngoan của Sa-lô-môn (Truyền Đạo 7:20), đến kinh nghiệm của Phao-lô (Rô-ma 7:18-19), đến sự thành thạo trong chức vụ chăn bầy của Giăng (1 Giăng 1:8), tất cả đều minh chứng cho sự thiếu khả năng của chúng ta trong việc không phạm sai lầm.
Và, Kinh Thánh có thể nói rõ ràng hơn về sự tha thứ của Đức Chúa Trời chăng? Kinh Thánh nói rằng khi chúng ta thừa nhận tội lỗi mình, chúng ta được giải phóng khỏi những hậu quả đời đời của chúng. Bạn và tôi được tự do trong Đấng Christ để thừa nhận khi chúng ta phạm sai lầm (Rô-ma 8:1), hãy nhớ rằng không có điều gì, kể cả bề cao của sự kém cỏi của mình, có thể chia rẽ chúng ta khỏi Ngài (Rô-ma 8:31-39). Những lời hứa đó sẽ cho chúng ta nguồn niềm vui không thay dời, giúp chúng ta nhìn vào mắt người khác và nhận lỗi mà không chút lưỡng lự hay dè dặt.
Khi xung đột nảy sinh, bản năng đầu tiên của tôi là củng cố sự vô tội của mình trong khi phóng đại tội lỗi của người bạn đời. Lòng tự trọng bị tổn thương muốn được xoa dịu bởi thứ thuốc là sự công bình tự phong. Nhưng công bình tự phong không phải là giải pháp. Nó chỉ đơn thuần đổ thêm ngọn lửa tổn thương vào biển lửa của sự tức giận và phiền muộn, không quan tâm đến bất cứ ai bị tổn thương trên đường nó đi qua. Thay vào đó, tôi cần giội nước vào ngọn lửa của cái tôi tổn thương, áp dụng lời hứa của Đức Chúa Trời về việc không kết án, và nói ra 3 từ: Anh/em sai rồi.
“Anh/em xin lỗi”
Việc chấp nhận sai lầm tạo cảm giác như cái chết cho cái tôi, nhưng việc đau buồn về hệ quả của lỗi sai ấy giống như sự chết cho tấm lòng. Không có gì lạ khi tâm hồn chúng ta rất ghét cảm giác xấu hổ – lần đầu tiên chúng ta thấy nó là trong khoảnh khắc nhận ra tội lỗi bước vào thế gian. Tâm hồn chúng ta không được tạo dựng để cảm thấy xấu hổ, vì nó không được dựng nên để dự phần trong tội lỗi.
Nhưng xấu hổ là phản ứng đúng và tự nhiên khi chúng ta phạm tội. Nó là hậu quả của việc nhận ra rằng tội lỗi của chúng ta, có chủ đích hay không, đã trực tiếp gây tác động tiêu cực lên người khác. Nếu tôi nói với một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình rằng tôi đã phạm sai lầm, nhưng tôi lại không chút đau khổ bởi hệ quả nó gây ra, thì tôi cũng không nên ngạc nhiên khi họ không tin vào lời xin lỗi này. Hoặc tôi cũng không nên ngạc nhiên khi họ phải đấu tranh để tha thứ cho tôi.
Liệu Đa-vít có thể chỉ đơn thuần thừa nhận tội lỗi của mình với Bát-sê-ba? Không, ông ấy phải than khóc:
“Đức Chúa Trời ôi! Xin thương xót con, Theo lòng nhân từ của Chúa; Xin xóa các sự vi phạm con, Theo đức bác ái của Chúa. Xin rửa sạch hết mọi gian ác, Và thanh tẩy tội lỗi con. Vì con nhận biết các sự vi phạm con, Và tội lỗi con hằng ở trước mặt con.” (Thi Thiên 51:1-3)
Tôi nói Đa-vít phải than khóc, không phải bởi đó là điều cần trước hết để bước tiếp, nhưng bởi đó là phản ứng lành mạnh của tấm lòng khi nhìn thấy tội lỗi của nó trong gương.
Khi tôi nói với vợ mình “Anh xin lỗi” theo đúng cách, tôi không bày tỏ nó với một nụ cười. Xấu hổ và buồn rầu không phải là cảm giác nhẹ nhàng, và tôi muốn vợ mình biết một chút về sự trĩu nặng trong tấm lòng tôi. Tôi không ủ rũ, không nài xin, không làm điều đó để thể hiện. Tôi chỉ đơn thuần muốn cô ấy hiểu – tận sâu trong đáy lòng của cô ấy – rằng tôi nhận ra tôi đã làm cô tổn thương và tôi chân thành xin lỗi về điều đó. Điều này là quan trọng khi cô ấy hiểu chiều sâu nỗi buồn của tôi, bởi lời xin lỗi nông cạn thường không được tha thứ.
“Xin tha lỗi cho anh/em”
Trong khi việc chấp nhận lỗi sai và thể hiện sự đau buồn có thể rất đau đớn, quá trình này tìm thấy sự nghỉ ngơi trong hành động tha thứ. Khi chúng ta phạm lỗi làm tổn thương đến tâm hồn người khác, chúng ta phải tìm đến và hỏi liệu họ có muốn khôi phục lại mối quan hệ với chúng ta. Đây không phải là lời đề nghị nhỏ. Khi bạn bày tỏ nó ra, vì chưa hiểu hay có chủ tâm, rằng chúng ta có thể làm tổn thương những người chúng ta nói là yêu thương, đây là hành động của đức tin về phần của họ để giao phó tâm hồn họ cho chúng ta một lần nữa.
Nhưng cốt lõi của Phúc Âm là sứ điệp của sự phục hồi. Và dù cho chúng ta có muốn chạy trốn khỏi lỗi lầm của mình chừng nào hay nhận lấy phần ít nhất có thể, chúng ta phải tha thiết cầu xin sự tha thứ nếu chúng ta muốn tạo một bằng chứng về sự phục hồi của Phúc Âm cho họ, cho chính chúng ta và cả thế giới đang dõi theo này. Đó là lý do tại sao Chúa Giê- xu phán rằng, nếu chúng ta chợt nhớ có ai đang có điều gì nghịch với mình, chúng ta phải dừng lại mọi công việc – thậm chí là thờ phượng! – để tìm kiếm sự hòa giải (Ma-thi-ơ 5:23–24).
Thường thường, tôi tìm kiếm sự tha thứ để chúng tôi có thể bước tiếp. Tâm hồn tôi muốn được phục hồi, tấm lòng tôi muốn thoát khỏi cảnh đắm mình trong xấu hổ, và tâm trí tôi muốn thưởng ngoạn điều gì đó khác hơn khuyết điểm của mình. Nhưng những khẩn nài của tôi cho việc phục hồi không nên được thúc đẩy bằng sự mệt mỏi, mà tốt hơn là được đầy năng lượng bởi Phúc Âm của ân điển. Sự tha thứ có thể đặt cái nhìn của tôi và vợ tôi, không phải trên người phối ngẫu yếu đuối dễ tổn thương, nhưng trên một Đấng Cứu Thế đã bị đóng đinh và thăng thiên. Sự tha thứ thực đã được mua và trả giá tại đồi Gô-gô-tha. Tôi có thể đến với cô ấy bởi vì Chúa Giê-xu đã tìm đến với tôi. Đằng sau lời thỉnh cầu “Xin tha thứ cho anh” là lời khẳng định của Đấng Christ cho tôi: “Con đã được tha.”
Chào mừng đến với gia đình
Tôi biết trong cuộc hôn nhân của mình rằng lượng nỗ lực cần thiết để nói ra 3 lời này cảm thấy giống như leo núi hơn là nói những câu đơn giản. Tuy nhiên, có một vài hành động bày tỏ rõ hơn về sự hiểu biết Phúc Âm hơn là sẵn sàng để xin lỗi và tìm kiếm sự tha thứ.
Và một sự hiểu biết sống động thực tế về Phúc Âm là chìa khóa để thành công trong mọi mối quan hệ – của tôi và, một ngày nào đó, ngay cả với các con tôi. Những người theo đuổi trong tương lai, hãy lưu ý: hãy có một tấm lòng có thể tha thiết nói, “Anh xin lỗi” mang lại kết quả là một người cha vợ tương lai, người có thể háo hức nói, “Chào mừng con đến với gia đình này.”
Tin bài: Nhật Tân
Lược dịch từ: DesiringGod.org