HTTL Hà Nội – Tình bạn là một món quà Chúa ban tặng cho chúng ta. Ai trong đời cũng cần có bạn để lắng nghe và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Và tình bạn thật được “chắt lọc” khi thử thách và khó khăn xảy đến.
Vậy khi bạn bè đối diện với những khó khăn, chúng ta cần làm gì? Dưới đây là những điều chúng ta có thể làm cho bạn mình:
Cầu nguyện cho họ
Một trong những điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bạn bè khi họ gặp khó khăn là cầu nguyện cho họ. Nếu chúng ta thường cầu nguyện cho ai đó khi được nhờ cầu nguyện, thì chúng ta còn phải làm nhiều hơn thế nữa khi cầu nguyện cho bạn bè và gia đình chúng ta. Giăng viết:
“Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau để anh em được lành bệnh. Lời cầu nguyện của người công chính có quyền năng và rất linh nghiệm” (Gia-cơ 5:16)
Hãy nói với bạn của mình rằng: “Tôi không ngừng dâng lời cảm tạ, luôn nhắc đến anh em trong khi cầu nguyện.” (Ê-phê-sô 1:16), và hãy làm việc đó thường xuyên. Hãy dâng lời cảm tạ lên Đức Chúa Trời về bạn bè mình và cho họ biết điều này.
Động viên, khích lệ
Kinh Thánh khuyến khích chúng ta khích lệ và động viên bạn bè, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ:
“Vậy, anh em hãy khích lệ nhau và xây dựng nhau, như anh em vẫn làm.” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11)
Sống trong thời đại khó khăn về mặt vật chất và tình cảm ngày nay, nếu chúng ta không có bạn bè thì chắc hẳn sẽ bị trầm cảm và cô lập, điều này có thể khiến nhiều người tự tử. Vì vậy, bạn bè nên đưa ra những lời khích lệ và gây dựng lẫn nhau để cùng phát triển. Khó khăn là thời điểm quan trọng bạn cần xuất hiện và hỗ trợ bạn bè mình. Đừng nói với bạn mình rằng: “Ồ, cậu thực sự đang gặp khó khăn lớn đấy!” mà hãy nói: “Tớ có thể làm gì để giúp cậu? Tớ vẫn đang cầu nguyện cho cậu đấy!”. Ý nghĩa quan trọng nhất của từ “động viên” trong nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp (parakaleō) nghĩa là “đến bên ai đó khi họ cần” hoặc “sát cánh cùng nhau”. Vậy nên chúng ta hãy luôn kề vai với bạn mình kể cả trong niềm mừng hay buồn bã. Hãy cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau!
Dành thời gian với họ
Chúng ta đều rất bận rộn! Nếu tôi làm phiếu khảo sát, tôi đoan chắc rằng phần đông những người được phỏng vấn sẽ giơ tay khi tôi hỏi: “Bạn có bận không?”. Và vâng, tôi cũng vậy! Điều tôi muốn nói ở đây là: thời gian rất quan trọng với chúng ta, nhưng tại sao bạn lại không dành chút thời gian của mình để giúp bạn bè vượt qua khó khăn. Bạn có thể mang đồ ăn cho họ, gửi họ vài tấm thiệp hay vài bông hoa, cắt cỏ hộ, trông bé giúp họ hay bất cứ thứ gì bạn có thể nghĩ ra mà thậm chí những ý tưởng đó còn hay hơn của tôi! Chúng ta đều có ba thứ có thể cho đi: thời gian, ân tứ và tiền bạc, nhưng thật ra điều bạn bè của bạn cần nhất chính là bạn!
Đồng cảm
Sứ đồ Phi-e-rơ đã cho ta một ví dụ rất sinh động về việc đồng cảm, cũng như chấp nhận sự khác biệt trong mỗi người:
“Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ mình, quý trọng vợ như phái yếu hơn, vì họ sẽ cùng anh em thừa hưởng ân điển sự sống, để không có điều gì ngăn trở sự cầu nguyện của anh em” (1 Phi-e-rơ 3:7).
Dù câu Kinh văn này bày tỏ về mối quan hệ vợ chồng, tuy nhiên, nó cũng khiến chúng ta nhận ra rằng mỗi người chúng ta khác nhau, đều có những điểm yếu và điểm mạnh riêng. Chúng ta hoàn toàn có thể vô tình làm điều gì đó khiến người khác khó chịu, và khi đó, chúng ta muốn mọi người hiểu bản chất con người mình. Điều quan trọng ở đây là: khi bạn hiểu hơn về những gì người bạn đời, về bạn bè, gia đình, người thân của bạn, hay cả những người đồng nghiệp của bạn đang phải trải qua, bạn sẽ có một mối quan hệ sâu sắc hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về hoàn cảnh của họ. Khi bạn bè của bạn đang đối diện với khó khăn, họ cần một người có thể thấu hiểu họ hơn bất kỳ ai. Và người đó chính là bạn (và tôi) đúng không?
An ủi
Nếu chúng ta thấy bạn bè chúng ta đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta chỉ cần nhớ rằng chúng ta cũng đang đi trên “con đường hẹp” đó. Chúng ta rồi cũng sẽ trải qua những thách thức mà họ đang phải chịu đựng và điều đó là một điều hiển nhiên. Đức Chúa Trời là Đấng đang hành động bởi Chính Ngài đã đem bạn bè đến với cuộc đời của chúng ta. Đây không phải là một sự vô tình hay ngẫu nhiên, mà Chúa chỉ định họ là bạn của chúng ta cũng như đặt để chúng ta là bạn của họ. Vì trong Kinh Thánh có chép rằng:
“Ngài an ủi chúng tôi trong mọi hoạn nạn, để chúng tôi có thể dùng chính sự an ủi mà Đức Chúa Trời đã an ủi chúng tôi để an ủi những người khác trong bất cứ hoạn nạn nào họ gặp!” (2 Cô-rinh-tô 1:4).
Liệu chúng ta có còn nhớ những lúc Chúa an ủi chúng ta, hoặc Ngài dùng một người bạn đến bên để an ủi chúng ta? Đó chính là sự an ủi thật lòng, và khi chúng ta có sự chân thành này, chúng ta sẽ thực sự an ủi bạn bè giống như Đức Chúa Trời an ủi chúng ta. Thật tốt lành biết bao!
Kết luận
Có rất nhiều việc khác bạn có thể làm để giúp đỡ bạn mình vượt qua khó khăn. Tôi biết rằng chúng ta khó có thể chia sẻ lâu dài với nhau, như bạn đồng nghiệp, họ thường chỉ ngồi lại với nhau một thời gian. Tôi không biết câu trả lời hay chương trình của Chúa đằng sau những khó khăn này, nhưng tôi chỉ biêt scầu nguyện và cho họ biết rằng tôi vẫn đang lắng nghe, động viên, khích lệ họ. Một điều rất quan trọng nữa là bạn cần sẵn sàng chia sẻ thời gian và “chính bản thân mình” vì bạn hiểu và đồng cảm với họ. Hãy an ủi họ theo cách mà Đức Chúa Trời an ủi chúng ta.
Tin bài: Hương Jenny
Lược dịch từ: FaithIntheNews.com