HTTL Hà Nội – Chúng ta hãy biết ơn Chúa vì món quà âm nhạc và những nhạc cụ mà Ngài ban cho để khích lệ chúng ta trong sự thờ phượng qua những bài hát. Hãy sử dụng chúng cách hiệu quả; nhưng cũng phải luôn chắc chắn rằng chúng ta không gán cho âm nhạc những năng lực nó không bao giờ có.
Trong những thập kỷ gần đây, âm thanh điện tử xuất hiện ở khắp nơi trong các buổi nhóm. Buổi nhóm được bắt đầu với tiếng đàn êm dịu và mỗi bài hát được nối với nhau bằng tiếng đàn. Tiếng đàn nền cất lên trong lúc cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, dạo đàn và đôi khi là trong cả bài giảng. Nếu không ai có thể tạo ra những âm thanh cần thiết, đừng lo, vì nó có thể giải quyết mọi vấn đề. Điều này dấy lên một câu hỏi: Chuyện gì đang diễn ra vậy?
Âm nhạc và sự hiện diện của Chúa
Chúng ta thường thấy mối liên hệ giữa âm nhạc và hành động của Đức Thánh Linh trong Kinh Thánh. Trước khi làm vua, Đa-vít chơi đàn để giúp vua Sau-lơ khuây khỏa, thoải mái mỗi khi ác thần nhập vào ông (1 Sa-mu-ên 16:23). Tiên tri Ê-li-sê không thể nói tiên tri cho vua Giô-sa-phát cho đến khi có một người gảy đàn cho ông nghe (2 Các Vua 3:14-16). Các tiên tri của Cựu Ước thường xuất hiện chung với các nhạc khí (1 Sa-mu-ên 10:5, 1 Sử Ký 25:1). Tường thành Giê-ri-cô sụp đổ khi tiếng kèn và tiếng reo hò của dân sự nổi lên (Giô-suê 6:20). Trong Tân Ước, việc được đầy dẫy Thánh Linh dẫn đến việc dùng thi thiên, thánh ca, và những linh khúc mà đối đáp với nhau (Ê-phê-sô 5:18-21).
Đó có lẽ là một phần lí do người ta thường cảm thấy có sự hiện diện của Chúa khi hội chúng hát ca ngợi Ngài. Giọng ca của những người được Thánh Linh đụng chạm, cất tiếng hát chúc tôn Đức Chúa Trời và tôn cao vinh quang của Đức Chúa Giê-xu làm chúng ta cảm nhận rõ hơn sự tốt lành, vĩ đại và gần gũi của Ngài.
Dù âm nhạc và sự hiện diện của Đức Thánh Linh có thể có liên hệ với nhau, chúng ta không được nhầm lẫn hai là một. Đó là lí do tại sao tiếng đàn của Đa-vít, một mặt có thể an ủi Sau-lơ, nhưng mặt khác cũng chính tiếng đàn đó khiến ông suýt bị Sau-lơ ghim vào tường bởi một ngọn giáo (1 Sa-mu-ên 18:10-11)
Có ích với cần thiết
Âm nhạc là phương tiện, công cụ. Đức Chúa Trời mới là nguồn gốc. Chúa thường dùng những phương tiện vật chất để làm thành ý Ngài. Nhưng khi chúng ta bắt đầu coi những phương tiện của ân điển như là nhu cầu thiết yếu của sự thờ phượng thì điều này có thể làm thay đổi những đức tính của Đấng Trung Gian giữa Đức Chúa Trời và chúng ta (1 Ti-mô-thê 2:5). Chúng ta thường nghĩ tiếng nhạc có thể khiến chúng ta kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa; như có một lần, một người hướng dẫn thờ phượng nói với tôi rằng giai điệu mà tôi đang chơi có “khả năng chữa lành trong đó”. Tôi không biết làm sao anh ta đi đến kết luận như vậy.
Wayne Grudem từng nói rằng “một trong những mục đích chủ yếu của Đức Thánh Linh trong thời kì giao ước mới chính là để bày tỏ sự hiện diện của Đức Chúa Trời, và đưa ra những dấu hiệu khiến cho sự hiện diện thánh của Ngài trở nên rõ ràng” (trích từ Systematic Theology, tam dịch: Thần Học Hệ Thống, trang 641). Đức Chúa Trời có thể sử dụng âm nhạc như một phương tiện để bày tỏ chính mình Ngài, nhưng điều đó không có nghĩa là bắt buộc phải có âm nhạc. Có một sự khác nhau rõ ràng giữa việc âm nhạc là thứ gì đó Chúa sử dụng và thứ gì đó Ngài cần. Rất thường thường, Thánh Linh bày tỏ sự hiện diện của Ngài qua những bài giảng và những ân tứ thuộc linh, không chỉ qua âm nhạc (1 Cô-rinh-tô 2:3-5, 1 Cô-rinh-tô 12:4-7).
Những gì âm nhạc có thể làm là tác động vào cảm xúc của chúng ta. Nó có thể làm dịu tấm lòng của chúng ta để lắng nghe hoặc gợi lên sự mong đợi. Nó có thể át đi những âm thanh gây phân tâm và tạo nên một bầu không khí trang nghiêm. Nhưng điều đó không có nghĩa Đức Chúa Trời đang bày tỏ sự hiện diện của Ngài cho chúng ta, hay tệ hơn là, chúng ta được “dẫn dắt đến với sự hiện diện của Ngài”. Trong cuốn sách của mình, Music Through the Eyes of Faith (tạm dịch: Âm Nhạc Qua Cái Nhìn Của Đức Tin), Harold Best cảnh báo: “Chúng ta nên cẩn thận với việc sử dụng âm nhạc trong thờ phượng. Nó có thể tạo ra cảm giác rằng Chúa hiện diện nhiều hơn khi có âm nhạc, rằng sự thờ phượng sẽ dễ dàng hơn khi có nó, và rằng có thể Đức Chúa Trời cần đến sự hiện diện của nó trước khi Ngài xuất hiện.” (trang 153)
Ai cũng biết rằng một tiếng đàn nền không phải là Đức Thánh Linh, nhưng khi xem xét những bài hát thờ phượng, trên kênh Youtube và những lời bình luận tại đó, thì điều này cần được làm cho sáng tỏ.
Ba điểm khác biệt
Dưới đây là ba điểm giúp phân biệt một nhạc cụ với Đức Thánh Linh.
1/ Nhạc cụ hướng con người về cảm xúc. Đức Thánh Linh hướng con người về Đấng Christ.
Âm nhạc là ngôn ngữ cảm xúc. Nó làm chúng ta rung cảm dù có lời hay không. Âm nhạc có thể truyền tải niềm vui, nỗi buồn, sự ngưỡng mộ, niềm hân hoan hoặc sự yên bình. Nhưng những cảm xúc mà nó đem lại không có lẽ thật trong đó. Chúng ta không biết nguồn gốc hoặc đối tượng nó hướng đến. Chỉ bởi âm nhạc, chúng ta không thể biết được Đức Chúa Trời chậm nóng giận, đầy lòng nhân từ và Chúa Giê-xu đã mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ (Thi Thiên 145:8, 1 Phi-e-rơ 2:24). Mặt khác, chính Đức Thánh Linh là Đấng làm sáng danh Chúa Giê-xu Christ (Giăng 16:14) chứ không chỉ tác động đến cảm xúc của chúng ta. Ngài làm vậy bằng cách soi sáng Lời Chúa trong lòng chúng ta, ban phát ân tứ và mở mắt chúng ta để thấy vinh quang của Đấng Christ (1 Cô-rinh-tô 2:10-13, 1 Cô-rinh-tô 12:4-11, 2 Cô-rinh-tô 3:17-18). Một nhạc cụ có thể tạo ra không khí yên bình; nhưng Đức Thánh Linh thực sự ban cho chúng ta sự bình an khi Ngài bảo đảm với chúng ta về sự tha tội trong Đấng Christ, sự làm chủ của Chúa và Ngài quan tâm chăm sóc chúng ta.
2/ Nhạc cụ có thể khiến chúng ta lầm tưởng rằng Chúa chỉ hành động khi có nhạc nền. Đức Thánh Linh hoàn thành mọi công việc chỉ bằng lời Ngài phán, hoặc thậm chí là trong im lặng.
Không có gì là sai trái khi chơi nhạc giữa những bài hát hay khi ai đó đang nói, có thể có những lý do nhất định để làm vậy. Nhưng nếu người ta quen nghe một thứ âm thanh đều đặn trong buổi nhóm thờ phượng, họ có thể cho rằng Đức Thánh Linh sẽ hiện diện ít hơn khi tiếng nhạc ngừng lại. Họ có thể gặp khó khăn để kết nối với Chúa trong một buổi nhóm truyền thống hơn, là nơi những bài hát bị ngắt quãng bởi lời cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, lời làm chứng…Vài người có thể nghĩ rằng Đức Thánh Linh không mạnh mẽ tại những hội thánh này, hoặc hội chúng ở đây không hiểu thế nào là thờ phượng. Nếu bạn luôn chơi nhạc giữa các bài hát hoặc trong khi có người đang nói, hãy thử thay đổi. Đôi khi hãy bắt đầu buổi nhóm bằng một đoạn Kinh Thánh kêu gọi sự thờ phượng hơn là tiếng đàn; kết thúc một bài hát và cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh mà không có tiếng nhạc nền. Chúng ta nên biết rằng dù âm nhạc có thể hỗ trợ những gì được đọc, nhưng lời Chúa có thể đứng vững một mình. Cũng như vậy, sự nhóm lại là vô cùng ý nghĩa, hoặc còn hơn thế, khi không có tiếng nhạc nền.
3/ Nhạc cụ có thể kết nối các phần của một buổi nhóm. Đức Thánh Linh kết nối chúng ta với Đức Chúa Trời và với nhau.
Một trong những lí do chúng ta dùng tiếng nhạc nền là để cho dòng cảm xúc trong âm nhạc trở nên mượt mà hơn và làm cho những đoạn chuyển bài trở nên dễ nghe hơn. Đó có thể là một điều tốt. Nhưng buổi nhóm ngày Chúa Nhật không phải là một buổi trình diễn liên tục. Và chúng ta đừng cố gắng tạo nên một bầu không khí âm nhạc hoặc một không gian nơi Đức Thánh Linh thấy dễ chịu hơn. Khi chúng ta nhóm lại, Đức Chúa Trời đang xây dựng chúng ta trong Đấng Christ và trong một thân với nhau. (Ê-phê-sô 4:15-16). Ngài đang khiến chúng ta trở nên đền thờ của Đức Chúa Trời trong Thánh Linh (Ê-phê-sô 2:19-22); và Ngài dùng mọi cách để làm điều đó: sự giảng dạy Lời Chúa, những bài hát, bữa Tiệc Thánh, những buổi nhóm và ân tứ thuộc linh. Âm nhạc không kết nối chúng ta làm một, nó cũng không phải là phương tiện để chúng ta đến với Chúa hoặc để Chúa đến với chúng ta. Tất cả những điều đó đã được làm thành qua Đức Chúa Giê-xu, Cứu Chúa Hoàn Hảo và Đấng Trung Bảo của chúng ta.
Chúng ta hãy biết ơn Chúa vì món quà âm nhạc và những nhạc cụ mà Ngài ban cho để khích lệ chúng ta trong sự thờ phượng qua những bài hát. Hãy sử dụng chúng cách hiệu quả; nhưng cũng phải luôn chắc chắn rằng chúng ta không gán cho âm nhạc những năng lực nó không bao giờ có.
Tin bài: Vĩnh An
Lược dịch từ: WorshipMatters.com