HTTL Hà Nội – Một trong sáu giá trị cốt lỗi của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội đó là đức tin, đây là giá trị mà Hội Thánh muốn từng tín hữu phải có để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời; nhìn mọi sự qua lăng kính đức tin nơi Chúa để khắc phục khó khăn, vượt qua nghịch cảnh để vâng phục, tha thứ, và yêu thương.
Đức tin là gì? Không ai có thể hiểu trọn 100% về đức tin ngoại trừ Chúa. Vì suy cho cùng, đức tin là một “thứ” nội tại thiêng liêng của mỗi một người và cũng bởi Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa Giê-xu là Đấng Tác Giả và Hoàn Thành đức tin (Hê-bơ-rơ 12:2). Đức tin là một ơn mà Chúa ban cho (Rô-ma 12:3, I Cô-rinh-tô 12:9). Đức tin nơi Chúa Giê-xu là thứ duy nhất để chúng ta được cứu, được xưng công bình – duy đức tin (Sola Fide). Kinh Thánh định nghĩa cho chúng ta:
“…đức tin là sự [biết][1] chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1).
Có nhiều định nghĩa về đức tin, nhưng có lẽ đây là định nghĩa thuyết phục nhất cho mỗi một chúng ta. Hiểu một cách sơ lược, đức tin là sự chắc chắn của tất cả những gì mình hy vọng và những hy vọng đó mắt phàm trần không nhìn thấy ngay được nhưng đức tin là bằng chứng cho những điều, những việc không xem thấy đó.
Như vậy, điều đầu tiên, Kinh Thánh dạy chúng ta đức tin nơi Chúa là không phải là sự mơ hồ, mông lung, ảo tưởng … nhưng là sự “chắc chắn” toàn bộ những gì mình hy vọng. Theo nguyên ngữ từ “chắc chắn” (ὑπόστασις/ hupostasis/) này còn bao hàm các nghĩa là sự bảo đảm, cam đoan, tin cậy, quả quyết làm cho yên tâm… điều này như nhắc nhở chúng ta về một sự bảo đảm, chắc chắn 100% nó sẽ xảy ra. Vậy, bạn đang chắc chắn điều gì? Bạn đang hy vọng điều gì?
Nếu bạn chắc chắn rằng, mọi sự dạy dỗ của Kinh Thánh là chính xác tuyệt đối, bạn và tôi sẽ hy vọng điều gì? Sẽ làm điều gì? Phải chăng bạn và tôi phải luôn tin cậy tuyệt đối vào Kinh Thánh, luôn có một kế hoạch học, thực hành Kinh Thánh cách nghiêm túc?
Nếu bạn chắn chắn rằng Chúa yêu thương, tha thứ cho mình, bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ xưng tội với Chúa mỗi ngày cũng như sống yêu thương, tha thứ?
Nếu bạn chắc chắn rằng Chúa ban ơn cho mình, bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ sử dụng trung tín như một người quản gia?
Nếu bạn chắc chắn rằng Chúa Công Bình đang quan sát đời sống của bạn thì bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ xây dựng một lối sống thuộc về Chúa, đeo đuổi, khao khát đường lối Chúa?
Nếu bạn chắc chắn rằng Chúa tìm kiếm bạn để gặp bạn tương giao mỗi ngày, bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ tìm cách để gặp Ngài, cầu nguyện, tương giao với Ngài?
Nếu bạn biết chắc chắn rằng Chúa có thể làm mọi sự, bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ nhờ cậy Ngài để Ngài hiện diện với bạn, ở cùng bạn trong mọi công việc.
Nếu bạn biết chắc chắn một ngày kia Chúa sẽ trở lại, bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ rao giảng về Chúa để mọi người được cứu và tỉnh thức đời sống mình chờ đón Chúa?
Nếu bạn biết chắc chắn rằng Chúa muốn việc bước đi theo Chúa Giê-xu, trở nên giống Chúa là điều quan trọng nhất trong cuộc đời bạn, bạn sẽ làm gì? Phải chăng bạn sẽ là loại môn đồ chắc chắn trong mọi sự cho Chúa?
Điều thứ hai, đức tin của người Cơ Đốc chúng ta, đó là một đức tin sống động. Hành động theo đức tin. Vì nếu đức tin không có hành động, Kinh Thánh gọi đó là đức tin chết (Gia-cơ 2:26). Do vậy, hành động theo đức tin đã hình thành nên bằng chứng cho việc một người tin điều gì? Hãy thử làm một sự lượng giá về đức tin của bạn? Bạn đã hành động thế nào với những gì bạn tin?
Đức tin của người Cơ Đốc nhờ đó đã để lại di sản tin kính cho thế hệ kế cận và hình thành nên hệ thống với những lời chứng tốt và nó như những bằng chứng của những điều mà mắt chưa xem thấy. Sẽ còn có thể gọi là đức tin nếu đòi hỏi phải nhìn thấy? Phải chăng đó là một đức tin tính toán, tin theo ý riêng của mình, vì lợi ích của mình? Đức tin không phải đòi mình thấy Chúa mà là biết Chúa thấy mình. Đức tin người Cơ Đốc khiến họ chăm những sự không thấy được. Bởi đức tin mà Nô-ê đã đóng tàu và ông nhận được lời chứng tốt. Bởi đức tin, Áp-ra-ham đã vâng lời đi đến nơi mình không biết và ông nhận lời chứng tốt. Đức tin của các thánh đồ thuở xưa đã khích lệ đức tin của người khác. Vậy, bạn đã tin Chúa thể nào? Liệu người ta có nói về bạn? Bởi đức tin, bạn đã thế này…. Bạn đã thế kia… và nhận lời chứng tốt? Bạn có đang gieo đức tin cho người khác trong một thế giới vật chất, đầy nghi ngờ này?
Điều thứ ba, đức tin của người Cơ Đốc không phải là một thứ tôn giáo và thúc đẩy người ta đeo đuổi một thứ tôn giáo với những nghi lễ nhưng thúc đẩy mỗi người thiết lập một mối quan hệ riêng tư ngày càng mật thiết, sâu đậm với Chúa. Làm sao một người có thể bước vào một mối quan hệ sâu với một người nếu họ ngờ vực, nghi ngờ nhau? Làm sao cặp chồng, vợ có được gọi là có mối quan hệ tốt nếu họ nghi ngờ nhau? Làm sao bạn có thể có mối quan hệ tốt với Chúa nếu nghi ngờ Chúa?
Điều thứ tư, đức tin của người Cơ Đốc thúc đẩy sự nối tiếp, tiếp diễn, từ đức tin đến đức tin. Sống bởi đức tin (Rô-ma 1:16-17). Trong cuộc đời mỗi người qua từng giai đoạn sẽ trải qua những kinh nghiệm về đức tin và tiếp tục trải nghiệm với đức tin trưởng thành hơn nữa. Chúa sẽ thêm đức tin cho mỗi người tùy ý định của Ngài. Vua Đa-vít đã trải nghiệm về đức tin là ban đầu ông giết gấu, sư tử để rồi từ trải nghiệm đó, ông tin rằng mình sẽ thắng Gô-li-át và quả thật như vậy. Vậy, trong thời gian qua, bạn đã kinh nghiệm được điều gì từ đức tin nơi Chúa của bạn? Đức tin của bạn có trưởng thành hơn khiến bạn có thể đối diện với những khó khăn, thử thách lớn hơn?
Đức tin rất quan trọng vì nếu không có đức tin không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và gần gũi với Ngài (Hê-bơ-rơ 11:6). Đức tin là một trong ba điều được tóm lại bên cạnh Hy Vọng, Tình Yêu Thương (I Cô-rinh-tô 13:13). Như vậy, qua một vài câu hỏi, một vài suy ngẫm về đức tin, chúng ta có thể khẳng định đức tin của chúng ta không hề ảo tưởng. Nhưng đức tin của chúng ta cũng không thể hiểu cho hết được. Đôi khi chúng ta sẽ thấy nó mang “màu sắc” lý trí để biết đức tin của chúng ta không phải là mù quáng; đôi khi nó mang màu sắc “cảm xúc, tình cảm” để không cần phải làm theo lý trí vì đôi khi lý trí lại cản trở đức tin; đôi khi nó mang màu sắc “ý chí” để giúp mỗi người đưa ra một quyết định lựa chọn Chúa hay những quyết định đột phá trong đức tin. Chúng ta không cần cố gắng để hiểu trọn vẹn vì nếu cố hiểu cho trọn về đức tin cũng không còn gọi là đức tin. Hãy nghe tiếng Chúa, chỉ tin mà thôi. Và những phép màu của Chúa sẽ xảy đến trong đời sống của bạn. Hãy gieo vào trong một thế giới vật chất, đầy nghi ngờ này đầy dẫy đức tin nơi Chúa. Amen!
Bài viết: Chấp sự Nguyễn Trọng Bình
[1] Ghi chú tác giả: Bản dịch truyền thống dịch là sự biết chắc chắn, thực tế nguyên ngữ không có chữ “biết” nhưng là sự chắc chắn. Tuy nhiên sự chắc chắn cũng là một sự biết, phải biết thì mới chắc chắn. Bản dịch mới dịch là “thực chất” chưa được sát nghĩa.