HTTL Hà Nội – Lí do chính khiến nhiều người từ bỏ niềm tin nơi Chúa là một câu hỏi khó trả lời, nhưng một trong những nguyên nhân có thể do nhiều hội thánh nhìn nhận đức tin gần như là một trải nghiệm về cảm xúc, nhà triết học Nancy Pearcey nói trong cuộc phỏng vấn của báo Christian Post.
Cuốn sách mới của Pearcey, Kiếm tìm lẽ thật: 5 nguyên tắc chống lại chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa thế tục, và các thần khác, cung cấp 5 chiến lược giúp Cơ Đốc nhân suy nghĩ về những vấn đề thách thức đức tin của họ.
Theo gương sứ đồ Phao-lô trong chương đầu sách Rô-ma, Kiếm tìm chân lí cung cấp cho người đọc một tiến trình gồm năm nguyên tắc, nhằm giúp họ xác định những quan điểm trái ngược Kinh Thánh và trình bày rõ một câu trả lời về những quan điểm này. Các nguyên tắc rất hữu ích khi chúng ta nói chuyện với những người chưa tin Chúa và nêu ra những quan điểm phi Kinh Thánh đã thâm nhập vào hội thánh. Mỗi chương cốt lõi giải quyết một trong năm nguyên tắc. Ngoài ra, có một hướng dẫn nghiên cứu đằng sau cuốn sách.

Nancy Pearcey
Những nguyên tắc đó là: 1. Xác định thần tượng. 2. Hạ bệ thần tượng. 3.Kiểm chứng thần tượng: nó có mâu thuẫn với những gì chúng ta biết về thế giới? 4. Tiếp tục kiểm chứng: thần tượng có mâu thuẫn với chính nó? 5. Thay thế thần tượng: tạo môi trường bao bọc cộng đồng Cơ Đốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Christian Post, Pearcey nói rằng cuốn sách đã được giới trẻ Cơ Đốc quan tâm. Các thanh niên trong hội thánh mạnh về việc thiết lập cam kết cảm xúc nhưng lại thất bại khi xử lí bằng lí trí. Các bậc phụ huynh và lãnh đạo hội thánh cần khuyến khích họ nắm lấy những câu hỏi phức tạp và giúp họ học cách suy nghĩ về những vấn đề này. Nếu không, không được chuẩn bị trước họ sẽ từ bỏ đức tin của mình, khi gặp thử thách.
Dưới đây là phần một của bản phỏng vấn bằng email. Ở phần hai, Pearcey áp dụng năm nguyên tắc trong Rô-ma 1 vào những vấn đề hôn nhân đồng tính.
Christian Post (CP): Tại sao bà muốn viết cuốn sách này?
Pearcey: Kiếm tìm lẽ thật thách thức quan niệm “Đừng nghĩ, chỉ tin” trong hội thánh. Nghiên cứu cho thấy lí do chính khiến nhiều người bỏ Chúa là những câu hỏi chưa được giải đáp. Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên; họ tưởng là nhiều người bỏ niềm tin vì do gặp các vấn đề trong mối quan hệ với những người tin Chúa. Song lí do được những người cải đạo đưa ra nhiều nhất là họ không thể có được câu trả lời thỏa đáng cho những gì họ nghi ngờ.
Đó cũng là thực tế của tôi. Lớn lên trong một gia đình theo thuyết Luther, tôi bắt đầu đặt câu hỏi ở trường cấp ba: Tại sao chúng ta biết Cơ Đốc giáo là chân lí? Nhỡ đâu đây chỉ là nơi chúng ta tìm kiếm những cảm xúc bình an? Không một ai trong số những người lớn tôi gặp đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Tôi hỏi một giáo sư đại học tại sao ông là Cơ Đốc nhân, nhưng ông chỉ nói: “Điều đó tốt cho thầy”. Trưởng khoa của một chủng viện nói: “Đừng lo lắng. Đôi khi chúng ta đều có những nghi ngờ.” – như thể tôi chỉ cần bước qua giai đoạn tâm lí này là ổn.
Cuối cùng tôi kết luận rằng cộng đồng Cơ Đốc không đưa ra được bất cứ câu trả lời thỏa đáng nào. Tôi quyết định gạt nó sang một bên và bắt tay vào việc kiếm tìm sự thật. Sau nhiều năm là một người theo chủ nghĩa bất khả tri, sau cùng tôi vấp vào L’Abri, nghiên cứu của Francis và Edith Schaeffer ở Thụy Sĩ. Lần đầu tiên tôi đã gặp được những người cung cấp các lí do và tranh luận để ủng hộ chân lí của Cơ Đốc giáo. Kinh nghiệm bản thân thuyết phục tôi rằng việc trả lời một cách nghiêm túc những câu hỏi của mọi người là điều quan trọng . Tôi đã viết Kiếm tìm lẽ thật để giúp người khác tìm được lời giải đáp thích đáng cho câu hỏi của họ.
Thuyết bất khả tri (Tiếng Anh: agnosticism) là quan điểm triết học cho rằng tính đúng hay sai của một số tuyên bố nhất định – đặc biệt là các tuyên bố thần học về sự tồn tại của Chúa Trời hay các vị thần – là chưa biết và không thể biết được hay không mạch lạc. [Wikipedia]
CP: Bà có nghĩ tới nhóm độc giả đặc biệt nào không?
Pearcey: Tôi đặc biệt lo ngại về một thế hệ trẻ không được chuẩn bị để đương đầu với những thách thức khi phải lớn lên trong một nền văn hóa bị thế tục hóa. Gần đây, một người mẹ vừa khóc vừa nói với tôi, rằng con trai chị đã đánh mất đức tin khi học tại một trường đại học tiểu bang. Cậu bé học ngành tâm lí; và theo nhà tâm lí học Sigmund Freud, hầu hết các thuyết tâm lí học đều coi Cơ Đốc giáo là một triệu chứng của chứng loạn thần kinh, một sự thoái lui một cách ấu trĩ, ảo ảnh về hình tượng một người cha trên trời. Sinh viên này xuất thân từ gia đình giàu tình yêu thương và một hội thánh mạnh, nhưng cậu đã không được chuẩn bị để vượt qua những rào cản của các học thuyết chỉ trích Cơ Đốc Giáo mà cậu đã học trên lớp. Chỉ trong một kỳ học, cậu đã rời bỏ nên giáo dục Cơ Đốc của mình.
Đây là những đối tượng cần cuốn sách Kiếm tìm lẽ thật giúp. Cuốn sách cung cấp một chiến lược gồm năm giai đoạn bắt nguồn từ Rô-ma 1, giúp mọi người suy nghĩ nghiêm túc về các lí thuyết phi tôn giáo trong bất cứ ngành học nào. Phao-lô nói rằng có một phần kiến thức đưa ra những bằng chứng thực về Đức Chúa Trời, có sẵn trong tất cả mọi người trên tất cả các nền văn hóa và các giai đoạn lịch sử. Đó là sự mặc khải chung, giúp chúng ta có thể kiểm tra các thế giới quan.
Chẳng hạn, tất cả chúng ta đều nhận thức trực tiếp về bản chất con người. Bởi con người có khả năng suy nghĩ, nên ngay từ đầu chúng ta phải được tạo nên với một tâm trí. Bởi con người có khả năng lựa chọn, nên ngay từ đầu chúng ta phải được tạo ra với một ý chí. Như một triết gia đã kết luận, bởi con người là một ai đó chứ không phải là một cái gì đó, nguồn gốc sự sống của nó cũng phải là Một Đấng Nào Đó – chứ không phải là một sức mạnh mù quáng, vô thức của tự nhiên, như chúng ta được nghe từ các nhà triết học theo chủ nghĩa tự nhiên hay chủ nghĩa duy vật.
CP: Bà viết về những thất bại của hội thánh khi giúp giới trẻ trả lời những câu hỏi khó. Bà đánh giá các hội thánh ở Mỹ vấn đề biện giáo như thế nào?
Pearcey: Tin tốt là trong những năm gần đây, tài nguyên biện giáo trở nên sẵn có hơn rất nhiều. Tin xấu là nhiều hội thánh vẫn tiếp tục bỏ qua các tài nguyên này, và nhìn nhận Cơ Đốc giáo chủ yếu về mặt cảm xúc.
Các nhóm thanh niên hiếm khi khuyến khích người trẻ vật lộn với những câu hỏi khó. Thay vào đó, mục tiêu của họ dường như là kiến thiết các sự kiện để tăng cường cam kết về mặt tình cảm. Song cường độ cảm xúc không đủ mạnh để ngăn chặn các câu hỏi. Mặt trái của cảm xúc là khiến cho tín hữu đánh giá niềm tin của mình chỉ chủ yếu về mặt cảm xúc mà thôi, dần dần khi gặp những câu hỏi tri thức khó, họ sẽ dễ bị vấp ngã.
Kiếm tìm lẽ thật bắt đầu với câu chuyện về bài thuyết trình của tôi ở Capitol Hill, Washington, D.C. Sau đó, một lãnh đạo hội nghị đã đứng lên công bố với mọi người , “Tôi đã mất đức tin ở một trường đại học Tin Lành.” Vị này giải thích rằng các giáo sư ở đấy đã dạy các thuyết hiện hành trong lĩnh vực của họ, nhưng đó lại là những thuyết phi tôn giáo tiêu biểu và đôi khi chúng nghịch lại Cơ Đốc giáo một cách rõ ràng. Các giáo sư rất ít hoặc không hề đề cập tới một sự phản biện từ Kinh Thánh. Người đàn ông trẻ thậm chí đã gặp giáo sư của mình một cách riêng tư, hỏi, “Tại sao thầy không liên hệ những tín điều thần học của thầy với những gì thầy dạy trên lớp?”. Không ai đưa ra câu trả lời.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội các trường cao đẳng và đại học Cơ Đốc đã nêu ra chỉ có khoảng một nửa số giảng viên cho biết họ có thể mang tới một quan điểm về Kinh Thánh trong lĩnh vực họ dạy.
Một nét đặc biệt của Kiếm tìm lẽ thật là nó cung cấp một chiến lược có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực, với mọi ngành nghề – và trong cả cuộc sống thường ngày. Một trong những sinh viên của tôi đã viết, “Phương pháp phê bình cô dạy trong cuốn sách rất hữu ích với em, không chỉ trong các môn học khác mà còn ở cả cuộc sống của em, khi em đọc sách và xem phim.”
CP: Đôi khi trong nền văn hóa của chúng ta mọi người có ý nghĩ rằng họ là Cơ Đốc nhân chỉ vì cha mẹ họ theo Cơ Đốc giáo và họ sống trong một cộng đồng chủ yếu là các tín hữu Cơ Đốc. Tại Hội nghị biện giáo quốc gia của các chủng viện Tin Lành phía Nam vào tháng một, Josh McDowell cho biết, các bậc phụ huynh Cơ Đốc có thể giúp con cái mình phát triển đức tin không phải bằng cách trả lời các câu hỏi của chúng mà bằng cách đáp lại các thắc mắc bằng nhiều câu hỏi hơn nữa. Bà nghĩ gì về đề xuất này?
Pearcey: Đa số người lớn cần học cách đặt câu hỏi và lắng nghe nhiều hơn. Nhưng điều này không phải là cách lảng tránh công cuộc tìm kiếm câu trả lời nghiêm túc. Khi tôi đến Hội thánh L’Abri với tư cách một người bất khả tri, tôi đã ấn tượng với cách tín hữu ở đây dùng các câu hỏi của tôi để giới thiệu tôi với những quan điểm rộng lớn hơn về thế giới. Thật vui khi khám phá ra những phạm trù tôn giáo được cá nhân hóa của Cơ Đốc giáo không bị giới hạn – điều này thực sự mang tới những câu trả lời quan trọng cho các câu hỏi nền tảng mà mọi người phải đối mặt.
Không chút băn khoăn, Phao-lô, sống trong đế chế La mã hùng mạnh, đã tuyên bố rằng ông “không hổ thẹn” về Tin Lành (Rô-ma 1: 16). Cơ Đốc giáo quá hấp dẫn khiến cho các tín đồ của các thế giới quan khác “vay mượn” của nó những phần mà họ thích nhất .
Tin bài: Quỳnh Vũ
Lược dịch từ: Christianpost.com